Thi tốt nghiệp THPT năm 2020 giao trách nhiệm toàn diện cho địa phương

Thứ hai, 08/06/2020, 11:08 GMT+7
Thi tốt nghiệp THPT năm 2020 giao trách nhiệm toàn diện cho địa phương

Thi tốt nghiệp THPT năm 2020 giao trách nhiệm toàn diện cho địa phương

TTO - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ giao trách nhiệm toàn diện cho địa phương và không có sự tham gia sâu của các trường đại học. Ngoài thanh tra cấp sở và bộ, sẽ có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh.

Ngày 5-6, Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay sẽ có nhiều thay đổi trong tổ chức, thanh tra, giám sát… nhằm hạn chế thấp nhất những tiêu cực như đã từng xảy ra.

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ giao trách nhiệm toàn diện cho địa phương và không có sự tham gia sâu của các trường đại học. Các khâu "cốt tử" của kỳ thi như coi thi, thanh tra - kiểm tra, chấm thi sẽ được chú trọng ở mức cao nhất.

Tránh cơ cấu "mâm bát"

Về việc bố trí nhân sự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương, đặc biệt là ở những khâu quan trọng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh cần "tránh tình trạng cơ cấu có tính mâm bát", xếp người cho đủ mâm. 

Theo bộ trưởng, các kỳ thi trước để xảy ra tiêu cực do có những cá nhân thiếu trách nhiệm, kể cả người chịu trách nhiệm chính, bỏ bê nhiệm vụ được giao. "Hỏng một khâu sẽ xảy ra tiêu cực" - ông Nhạ nói.

Theo quy định của kỳ thi năm nay, chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương có trách nhiệm cao nhất. Đây là điểm rất khác so với các năm trước. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP nên tham gia ban chỉ đạo, cùng với đại diện các ban ngành liên quan. 

"Tôi đề nghị các cấp ủy chính quyền địa phương có chỉ đạo, quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung cụ thể trong thực hiện tổ chức kỳ thi này. Địa phương cần ý thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi, để chuẩn bị chu đáo các khâu, tránh tiềm ẩn các rủi ro" - ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh "người đứng đầu mà ngay ngắn thì kỳ thi cũng được tổ chức ngay ngắn". Vì thế, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, không chỉ đề cao trách nhiệm người đứng đầu tỉnh, mà ở mỗi khâu của kỳ thi, mỗi hội đồng coi thi, chấm thi, các điểm thi, vai trò người đứng đầu cũng phải chú ý. 

"Nếu cần phải yêu cầu các trường điểm ký cam kết để ràng buộc trách nhiệm cao hơn" - ông Độ nói.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2020  giao trách nhiệm toàn diện cho địa phương - Ảnh 2.

Thí sinh kiểm tra lại thông tin lần cuối trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại điểm thi THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Phải có coi thi chéo, chấm chéo

Trình bày phương án tổ chức kỳ thi tại hội nghị, ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) - cho biết bộ đã rà soát và dự báo những rủi ro có thể xảy ra. Ông Trinh cho rằng "chấm thi là khâu dễ phát sinh tiêu cực, gian lận nhất". 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi năm nay coi thi lại là khâu cần được tập trung nhiều hơn các giải pháp đảm bảo an toàn, nghiêm túc, bên cạnh những giải pháp đã áp dụng ở khâu chấm thi.

Năm 2019, để ngăn chặn tiêu cực ở các khâu xung yếu này, Bộ GD-ĐT đã cử người của trường đại học tham gia coi thi, chấm thi, thanh tra thi. Trong đó, việc chấm thi trắc nghiệm giao trường đại học chủ trì. Năm nay, cán bộ trường đại học chỉ còn tham gia ở các đoàn thanh tra thi.

Những thay đổi này gây băn khoăn, lo lắng cho một số lãnh đạo sở GD-ĐT khi phải "gánh trách nhiệm toàn diện". Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh việc bố trí coi thi ở các địa phương phải đảm bảo mỗi điểm thi có giáo viên của 2 trường THPT khác nhau làm giám thị, đổi chéo để giáo viên không coi thi ở nơi có học sinh mình dạy. Tương tự, việc bố trí nhân sự chấm thi cũng đảm bảo đủ người cho các tổ chấm độc lập.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết dù số lượng thí sinh đông, khoảng 80.000 thí sinh dự thi, nhưng vẫn đảm bảo bố trí chấm chéo để giáo viên không chấm bài học sinh của mình. 

Theo ông Hiếu, cần bố trí các điểm thi đảm bảo an toàn, không quá xa, có thể "sáng giao đề thi, chiều nhận bài thi", giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể xảy ra. Ông Hiếu cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần hỗ trợ quy trình chấm thi và giám sát.

Đại diện một số địa phương cũng cho rằng cần chặt chẽ trong quy trình bảo quản đề thi, bài thi. Ví dụ, trưởng điểm cầm chìa khóa tủ đề thi, bài thi nhưng phó trưởng điểm là người ký niêm phong, ngủ tại phòng bảo quản đề thi, bài thi. 

Đại diện các tỉnh Đắk Lắk, Nghệ An lo ngại thời điểm tháng 8 dễ xảy ra bão lũ, nhất là lũ quét bất ngờ. Về điều này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đề nghị ban chỉ đạo thi các tỉnh miền núi phải có kế hoạch dự phòng, bố trí điểm thi ở nơi an toàn, có phương án hỗ trợ thí sinh, ứng cứu các điểm thi nếu xảy ra sự cố.

Sau khi nghe các ý kiến, ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị từng thành viên trong ban chỉ đạo, hội đồng thi phải xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ một cách cụ thể, chi tiết. Căn cứ vào kế hoạch này để giám sát thường xuyên, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời, tránh tình trạng "khoảng tối dưới chân đèn". Cứ lo đi kiểm tra nơi khác trong khi nhiệm vụ đầu tiên lại chưa làm đến nơi đến chốn.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2020  giao trách nhiệm toàn diện cho địa phương - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

Công bố phổ điểm, so kết quả thi và kết quả học tập

Một trong những điểm mới được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh tại hội nghị là việc đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập ở bậc THPT của mỗi thí sinh. Theo ông Phùng Xuân Nhạ, đây sẽ là một trong những chỉ số để kiểm soát tính nghiêm túc trong việc tổ chức thi cũng như đánh giá thường xuyên ở trường phổ thông. 

Tuy nhiên, ông Hà Thanh Quốc - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam - đề nghị bộ không nên tiếp tục xếp thứ tự điểm trung bình các môn thi của các địa phương (phổ điểm), vì việc này sẽ gây áp lực cho các sở GD-ĐT, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới tiêu cực thi cử vì "bệnh thành tích".

Trao đổi lại, ông Phùng Xuân Nhạ lại cho rằng bộ không công bố thì có những đơn vị khác và báo chí cũng sẽ làm việc này. Thay vì thấy áp lực thì cứ làm tốt, làm thực chất, minh bạch. Theo ông Nhạ, phổ điểm cũng là một chỉ số để soi chiếu từ đó có giải pháp cải tiến chất lượng dạy học ở bậc phổ thông. Về phía Bộ GD-ĐT, đây cũng là cơ sở để kiểm tra những dấu hiệu bất thường, từ đó chỉ đạo làm rõ vấn đề.

Ít nhất 3 cán bộ trường đại học thanh tra 1 điểm thi

Một điểm mới khác của kỳ thi năm nay là ngoài thanh tra cấp sở và bộ, sẽ có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh. Trong đó, Thanh tra Chính phủ sẽ cử đại diện tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia.

Cán bộ trường đại học năm nay không tham gia coi thi, chấm thi nhưng có mặt trong các đoàn thanh tra ở tất cả các khâu của kỳ thi. 

"Mỗi điểm thi, tùy quy mô số lượng phòng thi, có ít nhất 3 cán bộ giảng viên đại học làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Bộ GD-ĐT sẽ thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo các trường đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra này" - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nói tại hội nghị.

Điểm mới này cũng gây những băn khoăn cho các địa phương về sự chồng chéo, giẫm chân lên nhau nhưng theo ông Phạm Ngọc Thưởng, lực lượng thanh tra sẽ làm việc độc lập. Căn cứ vào hướng dẫn tổ chức thi của Bộ GD-ĐT, thanh tra bộ cũng có hướng dẫn công tác thanh tra để mỗi cấp triển khai theo nhiệm vụ, chức năng, phạm vi, phương pháp thực hiện.

PGS.TS Trần Diệp Tuấn (hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM):

Cả hệ thống chính trị giám sát kỳ thi

 

tran diep tuan 2(read-only)

PGS.TS Trần Diệp Tuấn

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay các trường đại học không tham gia coi thi, chấm thi, chỉ tham gia các đoàn thanh tra ở tất cả các khâu của kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và của Thanh tra Chính phủ.

Tuy nhiên, theo tôi, Bộ GD-ĐT cần tăng cường vai trò giám sát kỳ thi của cả hệ thống chính trị, cần tăng số lượng cán bộ thanh tra cắm chốt tại từng điểm coi thi, điểm chấm thi. Nên tính đến việc xem xét thành lập tổ thanh tra - kiểm tra công tác kỳ thi ngay mỗi điểm thi có đại diện trường phổ thông, sở GD-ĐT, công an và trường đại học. Trong đó, cán bộ của trường đại học phải giữ nhiệm vụ tổ trưởng điều phối chung.

Bên cạnh đó, các đoàn thanh tra lưu động của Bộ GD-ĐT cũng cần tăng số lượng và đổi mới cách thức, nội dung thanh tra, kiểm tra trong tất cả các khâu của kỳ thi để sớm phát hiện, ngăn chặn tiêu cực nếu có.

TS Trần Tiến Khoa (hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Tăng cường thanh tra chuyên môn ngoài ngành giáo dục

 

trantienkhoa 2(read-only)

TS Trần Tiến Khoa

Bộ GD-ĐT cho biết năm nay sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ để chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra tỉnh tổ chức đoàn thanh tra - kiểm tra từng khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT (chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo) phù hợp. Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng sẽ chủ động tổ chức thanh tra - kiểm tra công tác tổ chức thi tại địa phương.

Theo tôi, đây là giải pháp tốt và vô cùng quan trọng để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc. Tuy kỳ thi năm nay không còn là kỳ thi THPT quốc gia nhưng thực chất quy mô và tính chất quan trọng của kỳ thi này không khác mọi năm.

Công tác thanh tra đòi hỏi phải có chuyên môn và thực tế đội ngũ này ở các trường đại học không có nhiều. Do đó, việc tăng cường thanh tra, giám sát với sự tham gia của lực lượng thanh tra chuyên môn ngoài ngành giáo dục là điều cần thiết và chắc chắn mang lại hiệu quả cao.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn (hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM):

Gắn với trách nhiệm người đứng đầu địa phương

 

nguyen xuan hoan 2(read-only)

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn

Năm nay Bộ GD-ĐT cho biết sẽ bố trí toàn bộ cán bộ của các đại học tham gia ba cấp thanh tra ở tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Tôi nghĩ và tin tưởng rằng kỳ thi này sẽ diễn ra an toàn, nhẹ nhàng với các sĩ tử, các địa phương và toàn xã hội.

Hơn nữa, định hướng của bộ trưởng Bộ GD-ĐT là bộ sẽ tạo hành lang pháp lý và giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các địa phương nhiều hơn. Tôi nghĩ gắn trách nhiệm của các địa phương, đặc biệt người đứng đầu, sẽ tạo ra một trách nhiệm đặc biệt trong khi thi hành công vụ.

Nguồn: https://tuoitre.vn/thi-tot-nghiep-thpt-nam-2020-giao-trach-nhiem-toan-dien-cho-dia-phuong-20200606080842821.htm

Tags:

Ý kiến của bạn

Hotline

Hotline

0938361818