TTO - 'Chính sách cộng điểm ưu tiên giúp giảm bớt sự bất bình đẳng trong giáo dục và thể hiện tính nhân văn. Nhưng nó cũng có những khe hở mà ngành chức năng không kiểm soát được, đó là hiện tượng di cư giáo dục'.
Đó là ý kiến của GS.TS. Hoàng Bá Thịnh, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, xung quanh chính sách điểm cộng ưu tiên - vốn đang làm 'nóng' dư luận sau khi vì điểm ưu tiên mà có những thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1, và một số trường có điểm trúng tuyển lên đến 30,5.
Trong bài viết gửi Tuổi Trẻ Online, ông viết:
"Cần phải nói rằng, chính sách ưu tiên cộng điểm trong giáo dục một nét son trong chính sách xã hội của Việt Nam, nó không chỉ làm giảm bớt sự bất bình đẳng trong giáo dục mà còn thể hiện tính nhân văn khi tạo cơ hội cho học sinh các vùng miền núi, nông thôn, vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số (nơi chất lượng giáo dục còn có khoảng cách xa so với đồng bằng, thành phố) có điều kiện tiếp cận nền giáo dục bậc cao.
Tuy nhiên, với cách tính điểm ưu tiên như hiện nay là cộng các tiêu chuẩn được ưu tiên (đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên) thì nhiều thí sinh được cộng đến 3,5 điểm. Số điểm ưu tiên này bằng 50% điểm 1 môn thi của thí sinh có học lực loại khá, giỏi. Đây là điều bất hợp lý.
Chính vì cách cộng tất cả tiêu chuẩn ưu tiên nên trong tổng số 476 thí sinh trúng tuyển ngành y đa khoa ĐH Y Hà Nội năm 2017, chỉ có 84 thí sinh có tổng điểm 3 môn thi đạt từ mức điểm chuẩn 29,25 trở lên, 392 thí sinh còn lại trúng tuyển nhờ điểm ưu tiên, khuyến khích, chiếm 82,4%.
Nếu vẫn giữ như mức cộng điểm hiện tại, thí sinh ở khu vực 3 hầu như không được tiếp cận những trường tốp đầu, có điểm chuẩn cao như công an, quân đội hay ngành y đa khoa.
Bởi lẽ, các em học lực xuất sắc cũng chỉ đạt tối đa 30 điểm cho 3 môn thi, nhưng số này vô cùng ít. Theo thống kê, trong số 860.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, 13 em đạt điểm 30 (khối A: 3, khối B: 10, các khối khác không có).
Theo chúng tôi, nên cải tiến cách cộng điểm ưu tiên, với thí sinh thuộc diện nhiều tiêu chuẩn ưu tiên, chỉ nên lấy một điểm ưu tiên cao nhất; hoặc có thể cộng thêm 30% điểm ưu tiên thứ hai.
Bên cạnh đó, chính sách cộng điểm ưu tiên đã có những khe hở mà ngành chức năng không kiểm soát được, đó là hiện tượng 'di cư giáo dục'. Đây là một hiện tượng xã hội, khi cá nhân và gia đình tìm kiếm môi trường giáo dục chất lượng cao để cho con em học.
'Di cư giáo dục' là xu hướng tất yếu, người dân có điều kiện kinh tế thường chọn đầu tư giáo dục cho thế hệ sau bằng cách chọn trường học có chất lượng cao để gửi gắm con em, và những trường này thường chỉ có ở các thành phố lớn.
Theo quan sát của người viết, có không ít gia đình ở miền núi, người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu vùng xa đã mua nhà ở các thành phố lớn cho con ăn học.
Tôi chắc rằng, trong số 82,4% thí sinh đỗ vào ĐH Y Hà Nội và 79% thí sinh đỗ vào ĐH Y TP.HCM được cộng điểm ưu tiên thì ít nhất cũng có khoảng 70% trong số đó học tại các trường có chất lượng cao ở thành phố.
Nếu trong số này tất cả các em đều học tại các khu vực 1 và 2 (vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi) mà đỗ điểm cao như thế (25-27 điểm, và có đến 20% đạt điểm chuẩn mà chưa cần tính điểm ưu tiên) thật đáng ngạc nhiên và thán phục về chất lượng giáo dục phổ thông ở các vùng này.
Và nếu điểm thi phản ánh đúng năng lực học của thí sinh, thì cần xem lại chính sách ưu tiên cộng điểm theo khu vực, vì đã không còn sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các khu vực.
Chính sách xã hội không nhất thiết thành bất biến, mà cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ở các giai đoạn khác nhau.
Để đảm bảo khách quan, công bằng và nhân văn trong giáo dục, các ngành chức năng cần xem xét và điều chỉnh chính sách ưu tiên cộng điểm khi tuyển sinh cho phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay".
Cần duy trì chính sách 'phân biệt đối xử tích cực' Trong giáo dục nói riêng hoặc trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, nhiều quốc gia đã và đang thực hiện các chính sách mà người ta gọi là 'sự phân biệt đối xử tích cực' khi chính phủ thiết kế các chính sách dành ra một số ưu tiên nào đó cho các nhóm dân số được coi là yếu thế trong xã hội. Chính sách ưu tiên cộng điểm của Việt Nam cũng nằm trong chiều hướng đó, bởi Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và hiện đang có sự phát triển hoàn toàn không đồng đều về các chỉ số kinh tế-văn hóa-xã hội giữa một số dân tộc đa số và nhiều dân tộc thiểu số cũng như giữa các vùng địa lý khác nhau. Theo tôi, việc một số em học sinh có điểm cao mà vẫn trượt nguyện vọng 1 là điều đáng tiếc và có thể điều chỉnh lại về mặt kỹ thuật cho lần tuyển sinh kế tiếp chứ không thể vì thế mà bãi bỏ chính sách 'phân biệt đối xử tích cực' trong giáo dục như chúng ta đã làm, bởi chính sách này tác động đến hàng triệu học sinh chứ không phải là vài chục hay vài trăm học sinh. Tất nhiên, chúng ta cũng cần phải đánh giá lại việc chính sách ưu tiên trong giáo dục như phải xem lại các vùng miền đang được hưởng ưu tiên xem vùng nào tiếp tục được hưởng, vùng nào không được tiếp tục do đã có sự phát triển cao về kinh tế-xã hội so với trước đây. Lê Minh Tiến (Thạc sĩ xã hội học) |
GS.TS. HOÀNG BÁ THỊNH
(Nguồn tuoitre.vn)
Tags:
Hotline
Hotline