Lần đầu tiên Việt Nam ban hành nghị định quy định về hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ và xử phạt các vi phạm hành chính có liên quan. Trong đó đáng chú ý là quy định cấm đăng quảng cáo trước và trong khi chào bán.
Nếu như trước đây, việc chào bán cổ phần riêng lẻ của doanh nghiệp chưa chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước nào, thì với nghị định do Chính phủ mới ban hành, từ nay, hoạt động này được đưa vào diện quản lý của các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...
Đối tượng áp dụng của nghị định mới là các công ty cổ phần; các doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần, ngoại trừ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần. Theo quy định mới, công ty cổ phần thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài không được chào bán cổ phần trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Theo quy định, các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng. Ảnh: Hoàng Hà |
Để chào bán cổ phần riêng lẻ, chủ thể chào bán phải thuộc đối tượng được phép chào bán cổ phần riêng lẻ và phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ phải gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm nhất 20 ngày trước ngày dự kiến thực hiện việc chào bán, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác...
Phương án chào bán phải xác định rõ đối tượng và số lượng nhà đầu tư được chào bán dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng và phải đảm bảo tuân thủ các quy định về tỷ lệ góp vốn, hình thức đầu tư, trong trường hợp có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, Nghị định quy định rõ, trong thời hạn 90 ngày, trước và trong khi thực hiện việc chào bán cổ phần riêng lẻ, tổ chức chào bán không được quảng cáo việc chào bán trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vi phạm quy định này sẽ bị phạt 40 - 50 triệu đồng.
Trong vòng 10 ngày, kể từ khi kết thúc đợt chào bán, tổ chức chào bán có nghĩa vụ gửi báo cáo kết quả đợt chào bán và danh sách cổ đông cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời công bố trên website của tổ chức chào bán (nếu có). Tổ chức chào bán không được chứng nhận chuyển nhượng cổ phần trong thời gian hạn chế chuyển nhượng theo phương án chào bán đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp tổ chức chào bán trở thành công ty đại chúng do việc chào bán riêng lẻ, trong thời gian thực hiện đăng ký công ty đại chúng, tổ chức chào bán không được chứng nhận chuyển nhượng cổ phần.
Nghị định cũng quy định rõ các hình thức xử phạt VPHC trong hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ với mức phạt tiền cao nhất lên tới 100 triệu đồng. Cụ thể, vi phạm quy định về báo cáo và công bố thông tin sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 10 - 50 triệu đồng; vi phạm về chứng nhận chuyển nhượng cổ phần chào báo riêng lẻ bị phạt từ 10 - 30 triệu đồng. Đặc biệt, vi phạm quy định về hồ sơ, điều kiện và tổ chức việc chào bán sẽ bị phạt từ 30 - 100 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/2.
(Theo website Chính phủ)
Tags:
Hotline
Hotline